Ông Trần Văn Thăng, tịch là Trần Phiên, tên chữ là Lỗ Ngọc, hiệu Long Trì, thuộc đời thứ sáu, là con trai trưởng của ông Trần Văn Sách và bà Lê Thị Bân.
Ông theo Nho học, có chí khoa bảng, thi đỗ làm quan, ông còn đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ.
Năm Thành Thái thứ 12, tức năm Canh Tý (1900) ông thi đỗ Tú Tài.
Năm Duy Tân thứ 6, tức năm Nhâm Tý (1912) ông thi đỗ Giải Nguyên (thủ khoa Cử nhân).
Năm Duy Tân Thứ 10, ngày 01 tháng 01 năm Bính Thìn (1916) ông được bổ thọ Hàn lâm viện Diễn tịch, phái Hậu bổ tỉnh Bình Thuận.
Năm Khải Định thứ 3, tức năm Mậu Ngọ (1918) thăng Hàn lâm viện Biện Tu.
Năm Khải Định thứ 5, tức năm Canh Thân (1920) thăng chức Hàn lâm viên Tu Soạn. Năm ấy ông có thành tích vận động dân mua Quốc trái thắng số.
Năm Khải Định thứ 6, ngày 01/01/1921 tức năm Tân Dậu thăng chức Hàn lâm viện Trước tác. Cũng tháng 10 năm ấy ông được bổ làm Thông phán tỉnh Bình Định.
Năm Bảo Đại thứ 2, tháng giêng năm Đinh Mão (1927) thăng Hàn lâm viện Thị Giảng.
Năm Bảo Đại thứ 5, ngày 5 tháng 2 Canh Ngọ (1930) thăng Hàn lâm viện Thị độc.
Năm Bảo Đại thứ 6, ngày 5 tháng 01 năm Tân Mùi (1931) được thưởng Kim tiền hạng 3.
Năm Bảo Đại thứ 7, ngày 01 tháng 01 năm Nhâm Thân (1932) được thăng Quang Lộc Tự Thiếu Khanh. Hồi hưu ngày 4 tháng 2 được cấp lương toàn bổng 5 tháng.
Năm Bảo Đại thứ 8 tức năm Quý Dậu (1933), Văn cáo tang cha được phong lên hàm Hàn lâm viện Thị Giảng, mẹ được phong lên hàm tùng Ngũ Phẩm Nghi Nhân.
Năm Bảo Đại Thứ 12, tức năm Đinh Sửu (1937) dựng bia, xây mộ cho cha mẹ.
Năm Bảo Đại Thứ 13, tức năm Mậu Dần (1938) dựng bia, xây mộ cho ông bà nội.
Năm Bảo Đại thứ 14, tức năm Kỷ Mão (1939) hiệp với bổn tộc xây dựng nhà thờ Cao tằng bằng ngói tại ấp Văn Hội, làng Bồ Đề, xã Đức Nhuận
Ông sinh vào giờ Sửu ngày 2 tháng 7 năm Đinh Sửu (1877) là năm Tự Đức thứ 30. Ông mất ngày 27 tháng 11 năm Canh Dần (1950), hưởng thọ 73 tuổi. Hàng năm kỵ giỗ ông vào ngày 26 tháng 11 Âm lịch. Mộ ông táng tại “Vườn mộ họ Trần”, thôn Tân Định, xã Đức Thắng.
Chú thích:
Tương truyền các vị nhân sĩ trong địa phương trong đó có cụ Đoàn Sanh nhiều lần kể lại: “ Quan Thị không những có học vấn uyên thâm mà còn có tài thi đối ... Tại khoa thi Nhâm Tý (1912) đề thi ra: “ Sở dục vô cùng, sở tham vô yểm” phải viết theo thể Phú nghị luận. Quan Thị đem tất cả Văn tài, làm bài thật xuất sắc: Nghĩ rằng bài Phú nghị luận của mình chưa lột hết tinh thần của đề thi, nên cuối bài Quan Thị vịnh thêm bốn câu thơ trác tuyệt:
“ Ngũ Đế, Tam Hoàng dục đắc thiên,
Thạch Sùng, Vương Khải hận vô tiền,
Tây Thi đối ảnh du hiềm xú,
Bành Tổ cầu nhan chúc thọ niên.”
Có lẽ nhờ bài thơ trên đã bổ túc cho Văn bài thêm hay, điều mà sĩ tử cùng khoa thi không ai sánh kịp, nên ngài đỗ thủ khoa Cử nhân năm đó”.
Tạm dịch như sau:
“ Nghĩa đề thi: Sự ham muốn là không cùng, sự tham lam là không đáy.
Nghĩa 4 câu thơ: Các vua thời Tam Hoàng Ngũ Đế của nước cổ Trung Hoa, có nhiều công đức với nước, với dân, thiên hạ được hưởng thái bình, được tiếng minh quân ... còn muốn được như “ông trời”. Thạch Sùng, Vương Khải beân Taøu là những nhà giàu có “nứt đố đổ vách” nhưng vẫn hận là còn ít tiền. Nàng Tây Thi đẹp nhất nước, khi soi gương vẫn nhăn mặt, cho mình còn xấu. Sống lâu như Bành Tổ mà còn đốt hương cầu được sống lâu”.
Tại trường thi nầy, trước đây có nhiều thủ khoa là người Quảng Ngãi, bây giờ có thủ khoa Trần Phiên cũng là người Quảng Ngãi, nên dân gian có câu:
“ Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa”.
Thi đối của ông không được sưu tập, hầu hết ông làm để tặng thân bằng, cố hữu, thông gia ..., các câu liễn đối viết tại nơi thờ phụng v.v... Tại cổng đình làng Bồ Đề có 2 câu đối của ông:
“Vệ -Điệp chung linh sơn thuỷ tú,
Nho - Văn kiệt xuất đống lương tài”
Tạm dịch:
- Sông Vệ, núi Điệp chung nhau cái linh khí tạo nên cảnh có núi, có sông nầy quá đẹp! (chỉ làng Bồ Đề)
- Hai ấp Nho Lâm, Văn Hội (2 ấp cũ của làng Bồ Đề) có nhiều bậc danh nho là nhân tài, kiệt xuất có ích cho dân cho nước (có tài lương đống).
Tại nhà thờ họ Trần ở thôn Văn Hội có 2 câu đối:
“ Thương nghiệp khai cơ, tổ hữu công, tôn hữu đức.
Kế chí viễn sự, tử như sanh, vong như tồn”
Đại ý nói lên công trạng của tổ tiên đã mở đầu cơ nghiệp bằng nghề buôn bán, tổ có công con cháu có đức. Nối chí người xưa, chết như còn sống, mất như vẫn còn mãi ... Ngụ cư tại Long Phụng, ông vẫn là Thủ chỉ của làng Bồ Đề (làng nguyên quán).